Home » Tin tức » Chỉ số IP Trong tủ bảng điện là gì ?

Chỉ số IP Trong tủ bảng điện là gì ?

Chỉ số IP Trong tủ bảng điện là gì ?

Dựa trên kinh nghiệm đã trực tiếp làm việc nhiều với chủ đầu tư, người sẽ trực tiếp sử dụng hàng hóa của mình, tôi thấy chỉ có một số rất ít nhà đầu tư quan tâm đến các chỉ số thiết kế, hoặc tiêu chuẩn thiết kế của tủ bảng phân phối điện hay tủ điện điều khiển cả một hệ thống sản xuất của nhà máy mình.

Lý do có lẽ là do chủ đầu tư không hiểu về các tiêu chuẩn kỹ thuật, phần lớn họ chỉ dựa vào các công ty tư vấn, điều này nhiều khi gây ra sự lãng phí rất lớn do chọn lựa thông số kỹ thuật quá dư, hoặc đôi khi lại là chọn sản phẩm không đúng tiêu chuẩn cần thiết mà dây chuyền sản xuất đòi hỏi, sẽ dẫn đến việc không an toàn cho quá trình sử dụng điện sau này, hoặc có ảnh hưởng đến tuổi thọ của sản phẩm.

Trong thiết kế và sản xuất tủ bảng điện có rất nhiều thông số, hôm nay tôi xin trình bày đến các bạn một thông số phổ biến nhất mà bạn cần lưu ý khi chọn mua sản phẩm tủ bảng điện, đó là chỉ số IP – Ingress Protection: chỉ số cấp bảo vệ, chống xâm nhập của thiết bị.

Chỉ số IP: được phát triển bởi Ủy ban Châu Âu cho các chuẩn về kỹ thuật điện (CENELEC).

Cấp độ IP thông thường có 2 hoặc 3 chữ số đi kèm sau:

  • Chữ số thứ nhất     : Bảo vệ thiết bị khỏi các vật liệu, đối tượng rắn …
  • Chữ số thứ hai           : Bảo vệ khỏi tác động của các chất lỏng
  • Chữ số thứ ba        : Bảo vệ khỏi các tác động cơ khí

 Ví dụ: Với tủ điện có IP54, ta có thể hiểu như sau:

  • 5 là chỉ số thứ nhất đặc trưng cho bảo vệ khỏi các vật liệu rắn.
  • 4 là chỉ số thứ 2 đặc trưng cho việc bảo vệ khỏi các chất lỏng.

 CÁC CẤP ĐỘ BẢO VỆ CỦA CÁC CHỮ SỐ ĐỨNG SAU IP

  1. Cấp Độ của chữ số thứ NHẤT – Bảo vệ khỏi các vật liệu, đối tượng rắn
  • 0- Không bảo vệ
  • 1- Bảo vệ chống lại các vật thể rắn có đường kính từ 50mm và lớn hơn
  • 2- Bảo vệ chống lại các vật thể rắn có đường kính từ 12.5mm và lớn hơn
  • 3- Bảo vệ chống lại các vật thể rắn có đường kính từ 2.5mm và lớn hơn
  • 4- Bảo vệ chống lại các vật thể rắn có đường kính từ 1.0mm và lớn hơn
  • 5- Bảo vệ khỏi bụi xâm nhập, điều này không thể hoàn toàn ngăn chặn được nhưng phải đạt mức độ đảm bảo để duy trì hoạt động cho thiết bị được bảo vệ.
  • 6- Chống bụi hoàn toàn – Đây là tiêu chuẩn kiểm soát bụi chặt chẽ nhất với mức đảm bảo không có bất kỳ sự xâm nhập nào của bụi tác động tới thiết bị.
  1. Cấp Độ của chữ số thứ HAI – Bảo vệ khỏi các chất lỏng
  • 0- Không bảo vệ.
  • 1- Bảo vệ chống lại các giọt nước rơi thẳng đứng.
  • 2- Bảo vệ chống lại các giọt nước rơi thẳng đứng và với góc nghiêng lên tới 15o.
  • 3- Bảo vệ chống lại các giọt nước rơi thẳng đứng và với góc nghiêng lên tới 60o.
  • 4- Bảo vệ chống lại sự phun nước theo mọi hướng.
  • 5- Bảo vệ chống lại những tia nước theo mọi hướng.
  • 6- Bảo vệ chống lại những tia nước có áp lực theo mọi hướng.
  • 7- Bảo vệ chống lại việc ngâm trong nước tạm thời từ 15 cm đến 1m.
  • 8- Bảo vệ chống lại việc ngâm trong nước trong thời gian dài.
  1. Chữ số thứ BA – Bảo vệ khỏi các tác động cơ khí
  • 0- Không bảo vệ
  • 1- Bảo vệ chống lại tác động của 0.225Jun (vd: một vật nặng 150g rơi từ độ cao 15 cm)
  • 2- Bảo vệ chống lại tác động của 0.357Jun 
  • 3- Bảo vệ chống lại tác động của 0.5Jun 
  • 4- Bảo vệ chống lại tác động của 2.0Jun
  • 5- Bảo vệ chống lại tác động của 6.0Jun 
  • 6- Bảo vệ chống lại tác động của 20.0Jun

 Việc lựa chọn các thiết bị phù hợp với môi trường xung quanh quyết định tuổi thọ và chất lượng hệ thống tủ bảng điện của công trình. Do đó để tiết kiệm ngân sách cho mình trong hiện tại và tương lai, tùy vào nhu cầu và tính chất của nhà máy của mình, bạn cần thông báo cho nhà sản xuất tủ bảng điện biết rõ yêu cầu của mình để nhà sản xuất thiết kế tủ điện cho phù hợp, không thiếu và cũng không thừa.

Thật vậy, ở thị trường Việt Nam chúng tôi đã gặp rất … rất nhiều trường hợp sản phẩm tủ bảng điện còn trong thời hạn bảo hành nhưng bị từ chối bảo hành vì do sử dụng không đúng cách. Tại sao vậy? Nguyên do là hầu hết chủ đầu tư ở Việt Nam không đưa ra yêu cầu cụ thể của dự án, tiêu chí hoạt động, môi trường lắp đặt…. và cũng không hề tham vấn với nhà sản xuất hoặc tư vấn thiết kế độc lập trước khi lựa chọn thương hiệu của nhà sản xuất cung cấp sản phẩm tủ bảng điện cho mình, mà họ phó thác hoàn toàn cho nhà thầu hoặc tư vấn xây dựng.

Điều này không tránh khỏi thiệt hại về sau nếu chủ đầu tư gặp phải một nhà thầu hoặc nhà tư vấn không tốt, hoặc không có kiến thức đầy đủ về tiêu chuẩn, qui chuẩn sản xuất tủ bảng điện.

Mặt khác, các nhà thầu cơ điện luôn luôn chọn nhà cung cấp có giá thành rẻ để có lợi, cuối cùng nhà đầu tư là người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi trong quá trình sử dụng phát hiện tủ bảng điện có vấn đề hư hỏng nhưng do sử dụng sai thiết kế, hoặc đã lắp đặt sản phẩm trong môi trường không phù hợp, dẫn đến việc nhà sản xuất tủ bảng điện từ chối bảo hành.

Cuối cùng tôi muốn lưu ý với bạn là khi đặt mua tủ bảng điện không nên đặt tiêu chí về giá lên hàng đầu, mà bạn nên cân nhắc về các tiêu chuẩn của nhà sản xuất tủ bảng điện đưa ra có phù hợp với công trình của mình hay không. Một chọn lựa vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng hôm nay, mở rộng ngày mai (nếu có) kết hợp với giá thành hợp lý sẽ là lựa chọn tối ưu nhất cho bạn.